Hiệu
quả bước đầu trong việc thực hiện Chỉ thị 12 của Chính phủ và Chỉ thị
10 của Bộ trưởng Bộ GTVT về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách
kéo giảm TNGT trong kinh doanh vận tải đường bộ đã được khẳng định. Vấn
đề đặt ra trong thời gian tới là xây dựng những cơ chế để loại bỏ DN yếu
kém, hình thành DN vận tải đủ mạnh.
|
TTGT kiểm tra hộp đen của xe khách tại bến xe miền Đông |
Rõ nguyên nhân, cần độ “bền” của giải pháp
Tại buổi giao lưu trực tuyến về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 12 của
Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của Bộ trưởng Bộ GTVT về các giải
pháp ngăn chặn TNGT được Báo Giao thông tổ chức chiều 18/10, Vụ trưởng
Vụ ATGT (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thuấn nhấn mạnh: Trong 3 tháng liên tiếp
gần đây, những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đối với nhóm phương tiện
tiềm ẩn nguy cơ cao như xe khách, xe container đã giảm, số người chết
vì tai nạn đã thấp hơn các tháng trước đó.
"Bộ GTVT luôn luôn lắng nghe, chủ động tìm hiểu những khó
khăn của các đơn vị kinh doanh vận tải, các sở GTVT địa phương trong quá
trình tổ chức triển khai các quy định của pháp luật và có những hướng
dẫn, điều chỉnh kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh
nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Ông Khuất Việt Hùng
Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT
|
“Hiện nay, chúng ta đã thống nhất
trong việc chỉ ra căn nguyên của TNGT là yếu kém trong công tác quản lý”
- ông Thuấn nhấn mạnh. “Nhìn vào nội dung của 2 Chỉ thị, có thể thấy có
3 điểm mới. Đó là việc xác định và chỉ rõ những bất cập trong công tác
quản lý Nhà nước về bảo đảm ATGT, bất cập trong công tác thực thi công
vụ và bất cập trong công tác quản trị doanh nghiệp. Về công tác thanh
tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng đã có một tư duy rất mới, đó là tập
trung vào các đối tượng quản lý trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp
giấy phép lái xe, cấp phép luồng tuyến, đăng kiểm…” - ông Thuấn bổ
sung.
Cũng
liên quan đến việc thực hiện 2 Chỉ thị này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ
tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: Điểm khác biệt lần này
là Chính phủ, Bộ GTVT đã xác định được đúng nguyên nhân chính làm gia
tăng tai nạn, từ đó có các giải pháp đúng đắn và quan trọng hơn là làm
kịp thời, quyết liệt. Các giải pháp được đưa ra đã đi vào cuộc sống và
tạo hiệu quả rõ nét.
Nhỏ lẻ, chộp giật sẽ sớm bị đào thải
Cho rằng những doanh nghiệp nhỏ lẻ, làm ăn theo kiểu chộp giật thì chẳng
sớm thì muộn cũng sẽ bị loại khỏi “đường đua”, ông Nguyễn Văn Thanh đề
nghị cần tiếp tục ban hành những cơ chế đúng đắn để tạo nên những doanh
nghiệp vận tải đủ mạnh.
“Tôi rất mong Bộ GTVT tham mưu Chính phủ đưa ra cơ chế hợp lý để có thể
tạo một chuyển biến lớn trong vận tải vì đây chính là thời cơ chín muồi.
Đã đến lúc đón cơ chế chính sách mới để nâng tầm DN. Từ cơ chế đúng đắn
sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng được những doanh
nghiệp đủ mạnh, từ đó sẽ nâng cao được chất lượng phục vụ, giảm TNGT” -
ông Thanh bày tỏ.
Hoàn toàn nhất trí với ông Thanh - Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục
trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho biết: Qua phân tích, các doanh
nghiệp lớn, có uy tín thì TNGT xảy ra ít. Tai nạn xe khách thường rơi
vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, xe khách tư nhân.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải lại cho rằng, điểm
mấu chốt là phải giám sát chặt việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận
tải. Các doanh nghiệp nhỏ, lẻ mà đáp ứng tốt các quy định cũng rất đáng
trân trọng và cần khuyến khích.
Ngân Anh
Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT Nghệ An:
Nâng kỹ năng quản lý vận tải
Chỉ thị 12 của Thủ tướng và Chỉ thị 10
của Bộ trưởng Bộ GTVT ra đời rất đúng thời điểm, có tác động mạnh mẽ,
quyết liệt đã nâng cao chất lượng công tác vận tải, đảm bảo trật tự
ATGT. Chúng tôi cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra về vận tải để kiểm
tra hoạt động của các doanh nghiệp, tiến tới nâng cao các biện pháp quản
lý. Làm sao để ý thức, kỹ năng quản lý kinh doanh vận tải phải
được nâng lên, đặc biệt là với đội ngũ lái xe khách. Công tác đào tạo
lái xe cũng phải được quản lý tốt hơn.
Ông Lê Trọng Thành - Phó Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình:
Thiết bị GSHT đã giúp rất nhiều cho quản lý
Triển khai thực hiện việc tổ chức quản lý vận tải qua thiết bị GSHT tại
Ninh Bình đã bước đầu phát huy hiệu quả. Ninh Bình có hơn 920 phương
tiện, 100% đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Các đơn vị đã cung cấp quyền
truy cập dữ liệu từ thiết bị này cho các đơn vị quản lý dữ liệu tại Sở
GTVT và cả các đơn vị bên dưới. Vì thế, chúng tôi dễ dàng theo dõi hoạt
động của các doanh nghiệp vận tải. Do vậy, các vi phạm giao thông và
TNGT đã giảm đi đáng kể.
Ông Hoàng Hải Bình - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hưng Yên:
Xây dựng dữ liệucập nhật sức khỏe lái xe
2 Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ trưởng
Bộ GTVT nhấn mạnh đến quản lý sức khỏe của người lái xe, yêu cầu phải
tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất. Việc kiểm tra sức khỏe người lái
xe, trước đây có doanh nghiệp làm, doanh nghiệp không, nay đều phải siết
chặt, tăng cường. Câu chuyện kiểm tra sức khỏe lái xe trong 10 năm kể
từ khi được cấp bằng lái như thế nào, ai quản lý, ai giám sát thì cần có
sự phối hợp của nhiều ngành GTVT, Y tế, Công an… mới làm được. Tôi cho
rằng, cần có một hệ thống dữ liệu để cơ quan chức năng có thể cập nhật
sức khỏe người lái xe trong 10 năm này.
Ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Mai Linh:
“Không có chỗ cho sự lơ là, mất kiểm soát”
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp vận
tải có truyền thống 20 năm, ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn
Mai Linh khẳng định: Trong vận tải, không có chỗ cho sự lơ là, mất kiểm
soát. Xuất phát điểm của Mai Linh là rất thấp. Từ một doanh nghiệp nhỏ
với vài chục đầu xe, có được thành công ngày hôm nay là do chúng tôi
luôn siết chặt quản lý. Mặc trên người chiếc áo đồng phục của Mai Linh,
phải biết quý trọng, chung tay xây dựng thương hiệu Mai Linh, đơn giản
bằng cách thực hiện đúng quy định của doanh nghiệp cũng như chấp hành
nghiêm pháp luật của Nhà nước. Có như vậy mới có thể phát triển bền
vững.
Chủ tịch Mai Linh cũng bày tỏ sự tiếc nuối về vụ TNGT ở Quảng Nam thời
gian trước. “Mai Linh xây dựng thương hiệu 20 năm qua nhưng chỉ 1 vụ
TNGT ở Quảng Nam vừa rồi đã làm ảnh hưởng lớn đến 28.000 lao động và 20
năm xây dựng thương hiệu. Đây là bài học lớn cho chúng tôi”.
“Tôi cho rằng, một việc quan trọng với các doanh nghiệp vận tải là tổ
chức, tập trung lái xe để tập huấn ATGT. Đây là việc khó và ảnh hưởng
đến giờ lái của doanh nghiệp nhưng nếu không làm, để xảy ra tai nạn thì
doanh nghiệp còn khổ hơn, không khác gì “kiếm củi ba năm, đốt một giờ” -
ông Huy phát biểu.
“Trong lúc khó khăn này, chi phí nào cũng đội lên nên các doanh nghiệp
thường ngần ngừ khi phải chi cho những hoạt động liên quan đến đảm bảo
an toàn. Nên chăng, Nhà nước cần có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vận
tải như việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu… để họ có
thể cạnh tranh, đầu tư thiết bị tốt hơn sẽ góp phần giảm TNGT. Phải có
cơ chế, thì các doanh nghiệp vận tải mới có thể cạnh tranh lành mạnh và
phát triển tốt” - chủ tịch Mai Linh khẳng định.