Ở Việt Nam có 3 đỉnh núi cao
trên 3.000m, đứng đầu là Fan Si Pan cao 3.143 m, sau đó là đỉnh Pu Ta
Leng cao 3.096m và Phu Si Lung cao 3.076m. Đỉnh Fan Si Pan đã được chinh
phục từ lâu, hiện là điểm đến của những người thích khám phá thiên
nhiên. Còn lại 2 đỉnh núi kia vẫn là bí ẩn.
Thông tin mù mờ
Theo một số nguồn thông tin trên các
diễn đàn du lịch như phuot.vn hoặc box du lich của ttvnol.com thì Pu Ta
Leng là đỉnh cao nhất của dãy núi Ngũ Chỉ Sơn thuộc địa bàn xã Tả Giàng
Phình, Lào Cai. Chính vì thế các đoàn này đều xuất phát từ Tả Giàng
Phình và đều thất bại do gặp vách đá dựng đứng. Theo những thông tin tôi
thu thập được từ trạm Kiểm lâm vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn thì dãy Ngũ
Chỉ Sơn gồm 5 ngọn núi, mà đỉnh núi cao nhất chỉ gần 2.700m, vì thế đây
không thể là đỉnh Pu Ta Leng được.
Giáp ranh giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai
Châu có một ngọn núi cao gần 3.100m, theo tọa độ của googlemap. Đỉnh núi
này nằm trong địa bàn xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tôi
gọi điện thoại lên xã thì được anh Lai, Chủ tịch xã xác nhận là ngọn núi
này nằm trong địa bàn xã và cao nhất khu vực. Một thời gian sau, anh
Lai báo là tìm được người dẫn đường rồi, thế là tôi vội vàng sắp xếp
công việc rồi gọi mấy anh em hay đi leo núi cùng lên đường.
Rừng cấm trên đỉnh núi
Anh Lai đón chúng tôi tại UBND xã Hồ
Thầu và đưa lên tận bản Pho gặp người dẫn đường. Ngồi nhâm nhi chén rượu
sáng, anh Lù A Kéng, một thợ săn lâu năm ở bản cho biết: Hồi trước anh
còn đi săn thì cũng từng đuổi theo con cáo, con nai lên gần đến đỉnh,
giờ nhà nước thu súng không cho săn nữa thì anh cũng chẳng lên đấy làm
gì, lâu năm rồi không đi chẳng biết còn nhớ đường không. Dân ở bản Pho,
bản Hồ Thầu với mấy bản quanh đây đều là người Dao. Họ cũng chẳng có
việc gì lên đỉnh núi cả. Hơn nữa họ sợ vào sâu trong rừng vì họ tin
trong rừng có nhiều ma lắm.
Anh Kéng bảo ngày trước có người dân đi
hái thảo quả, mải miết hái rồi đi lạc vào rừng lúc nào không hay, đi
lòng vòng 3 ngày trời không ra được khỏi rừng mà lại quay lại đúng cái
chỗ cũ.
Những người Dao ở đây truyền tai nhau
rằng, khi vào rừng dù có bị thương, hoặc bị lạc cũng không được kêu to
vì họ sợ ma rừng nghe thấy sẽ đến bắt hoặc dẫn họ đi lạc. Chính những
người dẫn đường cho chúng tôi, khi vô tình bị dao chém vào chân hoặc bị
cành nhọn đâm thủng chân tay trong lúc mở đường cũng không dám hé răng
kêu đau một câu nào.
Hồ Thầu đẹp hoang sơ
Khu vực xã Hồ Thầu nằm gọn trong vườn
Quốc gia Hoàng Liên Sơn. Chỉ cần đi ngược suối Hồ Thầu lên vài trăm mét
là hầu như không có bóng dáng của con người. Người dân ở đây cho biết
nếu bị lạc trên trên núi thì chỉ cần tìm được một nhánh của dòng suối
này kiểu gì cũng ra được khỏi rừng. Dù không phải mùa lũ mà dòng nước
vẫn xiết, chảy lên lỏi qua những tảng đá to rồi đổ ầm ầm xuống phía dưới
tạo thành những dòng thác tuyệt đẹp. Nếu mà mùa lũ thì không ai có thể
đi theo đường suối này được.
Chúng tôi men theo dòng suối được vài
cây số thì bắt đầu leo ngược lên núi. Vách núi dựng đứng sừng sững. Con
đường cứ bé dần mà độ dốc thì không giảm tý nào. Chúng tôi leo mãi mà
không thấy đoạn nào bằng để nghỉ chân. Đi mải miết đến khi mặt trời xế
bóng thì đến một cái lán của người hái thảo quả nằm trong hang núi, gần
nguồn nước, có bếp đắp bằng đất và sẵn củi. Đi rừng gặp được cái lán này
còn sướng hơn là ở khách sạn 5 sao. Nhưng lán này khá hẹp nên chúng tôi
vẫn phải bố trí cắm lều ở ngoài.
Chinh phục Pu Ta Leng trong mưa giông
Mọi chuyện có vẻ thuận lợi cho đến khi
cơn mưa rừng trút xuống, gió rít ghê người. Chiếc lều quá mong manh,
nước từ từ ngấm qua vải bạt vào trong, thấm vào quần áo. Cả đêm không
được ngủ ngon nhưng sáng ra mọi người vẫn quyết tâm chinh phục đỉnh Pu
Ta Leng.
Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm nhanh.
Những trận mưa trút tiếp tục trút xuống, mặc dù đã mặc quần áo chống
nước nhưng chỉ một lúc sau là nước lại ngấm vào bên trong qua cổ áo, tay
áo. Mưa gió kèm theo cái lạnh cắt da trên này đã làm cho một số thành
viên trong đoàn ko chịu được phải quay về. Cuối cùng chỉ còn tôi với
Rosy, một bạn nữ đã từng trek Himalaya vẫn tiếp tục bám gót người dẫn
đường tiếp tục tiến lên. Qua đỉnh thứ nhất ở độ cao 2.500m, anh Kéng và
anh Thành phải thay nhau phạt cây mở đường. Mỗi tiếng chỉ tiến thêm được
có vài trăm met. Ở trên độ cao này, không loài cây nào chịu được sức
gió, chỉ còn loài tre, trúc mọc dày đặc, dựa vào nhau mới sống được.
Những gốc tre bị phát đi chọc lên tua tủa như chông, phải chật vật lắm
mới lách qua được. Chỉ một phút sơ ý anh Thành trượt chân ngã xuống đã
bị gốc tre đâm rách chân. Trên đường rất nhiều vũng đằm của lợn rừng, có
lúc còn thấy ổ của gấu còn mới nguyên, phân gấu vẫn còn tươi.
Lúc này GPS (thiết bị định vị vệ tinh)
chỉ độ cao 2.900m mà đã 1h30 chiều, chỉ còn hơn 100m độ cao nữa và
khoảng 800 theo đường chim bay nhưng nếu không quay về trại kịp trước
khi trời tối thì rất nguy hiểm. Chúng tôi đành quay về. Đi xuống nguy
hiểm không kém lúc lên. Vẫn những con dốc cao ngất, cộng thêm mưa làm
đất trơn như bôi mỡ. Mọi người trượt chân liên tục. Ở một đoạn vách dựng
đứng, phải bám gốc cây đu người qua. Tuấn - người đã từng cố gắng trek
Pu Ta Leng 2 lần từ phía Tả Giàng Phình - chẳng may trượt chân đã rớt
xuống vực, lăn lông lốc khoảng hai chục mét thì mắc vào cành cây. Mấy
anh dẫn đường phải dòng dây xuống kéo lên. Rất may là Tuấn chỉ bị xây
xát nhẹ.
Đến khi bóng tối trùm xuống khu rừng thì chúng tôi cũng về đến trại, mọi người ai cũng kiệt sức, mệt nhoài.
Phút dừngchân bên suối núi Pu Ta Leng. |
Quay lại Pu ta Leng
2 tuần sau chuyến đi đầu tiên thất bại,
tôi quay lại Pu Ta Leng với nhóm Trà đá group, một cộng đồng nhỏ những
người yêu thích leo núi. Rút kinh nghiệm chuyến trước, lần này chúng tôi
xuất phát thật sớm. Ngay đoạn đường suối Hồ Thầu cũng hết sức khó khăn
vì mấy ngày liền trời sương mù ẩm ướt, các phiến đá trơn trượt. Nếu như
lần trước đi qua đoạn này chỉ như đi dã ngoại Khoang Xanh, Suối Tiên thì
lần này mọi người phải mất rất nhiều công sức và thời gian. Tuy nhiên
sau 9 tiếng nỗ lực, chúng tôi cũng đến được con suối thứ 2 để cắm trại.
Mọi người vừa mệt vừa đói, thêm nữa mọi thứ ở đây đều ẩm ướt. Việc nhóm
lửa để nấu ăn trở nên phức tạp. Đầu tiên phải róc vỏ khúc củi ướt để lấy
phần lõi khô bên trong. Sau đó chẻ nhỏ từng thanh củi ra cho dễ cháy.
Hì hục sau 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới có nồi cơm sôi.
Sáng hôm sau mọi người dậy sớm, nấu một
nồi cơm to. Ai cũng cố gắng ních cho thật no vì biết ngày hôm nay sẽ
đầy căng thẳng. Vì cắm trại được gần đỉnh nên chúng tôi có mặt trên đỉnh
2900m khá sớm. Hôm nay tuy không mưa gió nhưng cũng toàn sương mù,
không thể nhìn được đỉnh Pu Ta Leng nằm ở phía nào. Xem trên GPS và la
bàn thì đỉnh Pu Ta Leng nhất định nằm về phía tây của đỉnh 2900m. Chúng
tôi cố gắng mở đường nhưng không thành công.
Mạn sườn về phía Tây càng đi càng dốc,
tre trúc dày đặc. Mất 4-5 tiếng cũng chỉ đi loanh quanh cái đỉnh 2900.
Trời đã về chiều, cả đoàn hội ý, có nhiều bạn muốn cắm trại trên đỉnh để
mai tiếp tục tìm kiếm, nhưng 2 bạn phải về vì có công việc ở nhà không
dời lại được. Nếu cả đoàn ở lại thì 2 bạn phải tự xuống núi trước. Tinh
thần đồng đội không cho phép cả đoàn làm như vậy. Thế nên đành phải tạm
gác lại giấc mơ Pu Ta Leng, cả đoàn quay trở lại tìm đường xuống núi.
Hẹn gặp lại Pu Ta Leng vào một ngày đẹp trời khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét