Đây là khẳng định của Bộ
trưởng Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế
Quốc hội do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu làm trưởng đoàn, chiều qua
(16/9).
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT với Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội |
Hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho
biết 8 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
10 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và 7 đề án, đạt 100% kế
hoạch. Đến hết tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 văn bản QPPL.
Bộ GTVT đã ban hành theo thẩm quyền 20 Thông tư.
Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ tiếp
tục tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp
luật, các đề án, quy hoạch…Đã hoàn thiện, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư 24 và Thông tư 14 hướng dẫn thực hiện Nghị
định 91 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải
bằng xe ô tô; xây dựng và ban hành văn bản QPPL về sử dụng các thông tin
từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm
soát và xử lý vi phạm…
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định
công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ quan trọng nhất
của quản lý Nhà nước. Đó đó Bộ trưởng lưu ý văn bản ra đời phải đúng
với Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với văn bản hiện hành và cuối cùng,
phải phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao.
Vượt khó khởi công và khánh thành nhiều dự án lớn
Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo của
Bộ GTVT với Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội là trong bối cảnh vô
cùng khó khăn hiện nay nhưng ngành GTVT vẫn nỗ lực vượt khó, khởi công
và khánh thành khoảng 160 dự án. “Chưa năm nào mà các khởi công và khánh
thành nhiều như năm nay. Vốn cho các dự án này cũng được huy động chủ
yếu từ nguồn xã hội hóa”- Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GTVT |
Việc
đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ
xác định là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Đối với các dự án
trọng điểm mở rộng QL1, QL14, Ban Cán sự Đảng bộ xác định đây là nhiệm
vụ được ưu tiên số 1 trong giai đoạn tới. Đến nay, với quyết tâm chính
trị rất cao và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, tất cả các dự
án BOT và một số dự án dùng vốn Trái phiếu Chính phủ đã được khởi công.
Trong tháng 9/2013, sẽ khởi công đồng loạt tất cả các dự án dùng vốn
Trái phiếu Chính phủ còn lại.
Do tính chất quan trọng và cấp bách
của dự án mở rộng QL1 và QL14, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội
xem xét báo cáo Quốc hội sớm chấp thuận chủ trương phát hành Trái phiếu
Chính phủ để đầu tư xây dựng QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên, tạo điều
kiện để Bộ GTVT hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Tái cơ cấu tổ chức, đa dạng hóa hình thức huy động vốn đầu tư
Triển khai thực hiện Đề án tổng thể
tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng
nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 –
2020, Bộ GTVT đã triển khai mạnh mẽ các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh
vực, tập đoàn, tổng công ty.
Thứ trưởng Trương Tấn Viên cho biết,
Bộ GTVT đã xây dựng và phê duyệt Đề án Tái cơ cấu đầu tư phát triển hạ
tầng giao thông, trong đó xác định nhu cầu đầu tư trong giai đoạn tới
theo chiến lược, quy hoạch được duyệt, khả năng cân đối. nguồn vốn, từ
đó xác định nội dung trọng tâm, chương trình dự án trọng yếu cũng như
cân đối đầu tư giữa các vùng miền, lĩnh vực...
Nguồn vốn giao hàng năm được tập trung
bố trí trả nợ khối lượng hoàn thành, cho đối ứng các dự án ODA. Phần
vốn còn lại bố trí ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm kế hoạch` để
sớm đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, hạn chế khởi
công mới các dự án.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Viên,
nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn để đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, Bộ GTVT đã đặc biệt chú trọng
huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách. Thống kê cho thấy, đến thời điểm
hiện tại, Bộ đã kêu gọi đầu tư và đồng loạt khởi công 17/17 dự án BOT mở
rộng QL1 và 3 dự án BOT mở rộng QL14, dự án hầm đường bộ Đèo Cả, dự án
BOT xây dựng cầu Cổ Chiên, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội –
Hải Phòng, QL51 đoạn Biên Hòa – Vũng Tàu, QL20, đường HCM đoạn La Sơn –
Túy Loan, dự án cải tạo mặt đường QL5, cảng hàng không Cát Bi… với tổng
giá trị vốn huy động cam kết của các nhà đầu tư lên tới 50.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT cũng đang tiếp tục xây dựng đề
án Huy động các nguồn lực đột phá để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
giao thông và hình thành Quỹ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Về
tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ GTVT đã trình và được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt đề án tái cơ cấu các Tổng công ty Đường sắt VN, Hàng hải VN,
Hàng không VN và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN.
Bộ cũng đã chủ động chỉ đạo các đơn vị
xây dựng và phê duyệt 13 đề án tái cơ cấu các Tổng công ty thuộc Bộ.
Trong năm 2013, Bộ sẽ hoàn tất việc cổ phần hóa 11 Tổng công ty lớn,
trong đó có Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines).
Tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm
Thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm
2013, cả nước xảy ra hơn 196.400 vụ TNGT, làm chết 6.300 người, bị
thương 19.300 người. So với cùng kỳ năm 2012, giảm hơn 1.500 vụ, giảm
hơn 3.000 người bị thương.
Bộ GTVT đã và đang triển khai mạnh mẽ,
quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như kiểm soát chặt chẽ tốc độ, tải
trọng pưhơng tiện tham gia giao thông, xóa bỏ các điểm đen TNGT, xử lý
vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm, kiểm soát và xử
phạt nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma túy, rượu
bia khi điều khiển phương tiện.
Ủng hộ phát hành Trái phiếu Chính phủ xây dựng hạ tầng giao thông
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu ghi nhận thành quả khá toàn
diện ngành GTVT đã làm được. Đặc biệt là ngành đã nỗ lực, chủ động thu
hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông - lĩnh
vực "phải đi trước một bước" trong bối cảnh suy thoái kinh tế, vốn ngân
sách đầu tư cho ngành giảm chỉ còn một nửa trong năm nay.
Tuy nhiên, để hỗ trợ ngành GTVT giải quyết khó khăn về vốn, Chủ nghiệm Nguyễn Văn Giàu ủng hộ chủ trương phát hành Trái phiếu Chính phủ để ngành chủ động đầu tư những dự án giao thông quan trọng, các dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.
"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông rất cần thiết, giúp ngành chủ động hơn trong kế hoạch phát triển, Ủy ban Kinh tế sẽ có khuyến nghị Quốc hội quan tâm, ủng hộ chủ trương phát hành Trái phiếu Chính phủ cho dự án giao thông quan trọng, đòi hỏi vốn lớn" - Ông Giàu nói.
Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận của ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội; ông Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Còn ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cho rằng, những việc mà Bộ GTVT làm được đã được thể hiện rõ nét, đi vào đời sống tốt hơn. Ông Kiêm cũng đề nghị Bộ GTVT cần tổng kết những việc đã đạt được qua đó rút kinh nghiệm, bài học không chỉ cho Bộ GTVT mà còn cho cả những bộ, ngành khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét